Trong trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế thì có thể tiếp tục thực hiện việc xuất hóa đơn được hay không? hóa đơn bán hàng hợp lệ được xuất khi doanh nghiệp bị đóng mã số thuế thì có được xem là hợp lệ nữa hay không? Cùng tìm hiểu chi tiết câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Đầu tiên, bạn đọc cần phải hiểu được đóng mã số thuế là gì. Đóng mã số thuế được hiểu là việc chấm dứt mã số thuế là thủ tục cơ quan thuế xác định mã số thuế không còn giá trị sử dụng trong Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế. Cơ quan thuế thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế và thông báo công khai việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế, kể từ ngày cơ quan thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế.
Vậy, doanh nghiệp bị đóng mã số thuế trong những trường hợp nào? Theo quy định tại điều 16. 19 Thông tư 95/2016 quy định, doanh nghiệp bị đóng mã số thuế trong các trường hợp cụ thể sau”
-Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc giải thể, phá sản;
– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất)
– Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”
Theo quy định tại Điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định như sau:
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).
Như vậy nếu trong trường hợp doanh nghiệp bị đóng mã số thuế thì sẽ không được xuất hóa đơn. Mọi hành vi xuất hóa đơn trong thời gian bị đóng mã số thuế đều sẽ bị xem là vi phạm pháp luật, là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời bị xử lý nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật về sử dụng hóa đơn.
4 trường hợp cá nhân quyết toán trực tiếp thuế TNCN
Nguyên tắc khai thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Đối với với bên mua hàng, nếu vô tình hoặc cố ý sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của công ty, doanh nghiệp đã bị dừng mã số thuế thì cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Do vậy, khi nhận được hóa đơn điều đầu tiên các doanh nghiệp cần phải làm đó chính là thực hiện việc tra cứu, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hóa đơn, tránh phải những điều đáng tiếc khi sử dụng hóa đơn.
Với những chia sẻ trên hy vọng đã mang đến cho quý khách hàng những thông tin hữu ích về việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp đã bị dừng mã số thuế, không được xuất hóa đơn trong trường hợp bị dừng mã số thuế.